[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 12,14-21″]
Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su. Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói :’Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỨC GIÊSU: NGƯỜI TÔI TRUNG HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường (Mt 12,19)
Trong bài ca Người Tôi Trung của Thiên Chúa, ngôn sứ Isaia đã tiên báo trước khuôn mặt Người tôi trung hiền lành và khiêm nhường của Thiên Chúa là Đức Giêsu: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng”(Mt 12,20). Chính Chúa Cha đã xác nhận và hài lòng về người Con Chí Ái của mình: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người” (Mt 20,18a). Trong suốt hành trình cứu độ, Chúa Giêsu đã nêu cao bài học khiêm nhường và hiền lành: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được bồi dưỡng”(Mt 11,29). Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu thực hiện cử chỉ khiêm nhường cúi xuống rửa chân cho các môn đệ thân yêu với bài học “thầy là thầy là chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh cũng hãy rửa chân cho nhau”(Ga 13,14). Thánh Phaolô đã khẳng định sự khiêm nhường tột cùng của Vị Thiên Chúa nơi Đức Giêsu: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên người trần thế” (Pl 2,6-7). Đức Giêsu không như các kinh sư và biệt phái: họ dựa vào lề luật của mình nhằm bắt lỗi, triệt hạ người khác mà không nhắm đến lòng thương xót, nhân hiền. Trái lại, với lòng yêu thương và nhân lành của người mục tử, Chúa Giêsu băng bó và chữa lành bệnh tật cho dân chúng “dân chúng theo người đông đảo và người chữa lành hết”( Mt 12,15).
Trong xã hội ngày nay, nền kinh tế thị trường khiến con người chạy đua theo địa vị, vật chất, hưởng thụ một cách cuồng loạn. Con người dần đánh mất sự khiêm nhường và hiền lành của mình, sẳn sàng dùng mọi thủ đoạn, bạo lực để triệt tiêu, loại trừ nhau. Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh Đức Giêsu Người Tôi Trung là một lời nhắc nhở chúng ta cần đối xử với nhau cách hiền lành và khiêm nhường. Chúa Giêsu đã sống, và mời gọi con đến với nước trời bằng tinh thần hiền lành và khiêm hạ. Bởi chỉ có khiêm hạ và hiền lành thì con người mới có thể tha thứ, cảm thông, yêu thương, đồng thời cùng giúp nhau đạt tới hạnh phúc mà Chúa hứa ban: “Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp”.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con biết học nơi Chúa bài học hiền lành và khiêm nhường. Nhờ vậy, cuộc sống của mỗi người chúng con không còn nặng nhọc bởi những suy nghĩ tiêu cực về nhau, cũng không dùng thủ đoạn triệt hạ nhau, nhưng là mang lấy “ách êm ái nhẹ nhàng” trong tình yêu và lòng thương xót Chúa. Amen.
[/loichua]