4 Luận Đề Chính Trong Thư Gửi Tín Hữu Hip-Ri

1. Luận đề 1 : Đức Kitô là vua vũ trụ (1,5-2,18)

     Trong suy nghĩ của người thời đó, có ai cao trọng bằng các thiên thần? Nhưng trong thư này, tác giả đã dựa vào nhiều đoạn Cựu Ước để chứng minh rằng Đức Kitô còn cao trọng hơn thiên thần nữa :

        a/ Ngài được Thiên Chúa xưng là Cha và gọi bằng con;

        b/ Thiên Chúa còn ra lệnh cho các thiên thần phải tôn thờ Ngài;

        c/ Ngài được Thiên Chúa cho ngồi bên hữu;

        d/ và Thiên Chúa hứa sẽ giữ cho ngôi báu của Ngài trường tồn vĩnh viễn;

        e/ Thiên Chúa bắt các thế lực chống đối phải làm bệ chân Ngài.

     Nếu Đức Kitô phải chịu khổ nạn, ấy là để tỏ ra liên kết với thân phận loài người là các em của Ngài. Nhưng sau khi chịu khổ nạn thì Ngài đã chiến thắng, đoạt lấy vinh quang, nhờ đó Ngài cũng cứu độ các em nhân loại của mình luôn.

 

2. Luận đề 2 : Đức Kitô là vị Thượng Tế trung tín và hay thương xót (3,1-5,10)

     Trong Cựu Ước, Môsê là người được Chúa giao nhiệm vụ làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Giêsu cũng có vai trò trung gian ấy nhưng Ngài cao trọng hơn Môsê nhiều, vì 2 lẽ:

        a/ người xây thì trọng hơn cái nhà được xây, Đức Giêsu chính là người xây;

        b/ như người con thì trọng hơn người đầy tớ, Đức Giêsu chính là người con, còn Môsê chỉ là người đầy tớ.

     Thế nhưng cả Đức Giêsu và Môsê (dù là con hay đầy tớ) cũng đều trung thành đúng tư cách một vị Thượng Tế. Vì vậy tác giả khuyên độc giả hãy trung thành chứ đừng bất trung như dân do thái xưa trong sa mạc khiến họ bị loại khỏi chốn yên nghỉ của Thiên Chúa.

     Ngày xưa vì dân bất trung nên đã không được vào chốn yên nghỉ. Còn ngày nay Đức Giêsu được vào chốn yên nghỉ. Dù vậy Ngài vẫn không quên loài người: Ngài cảm thông với chúng ta và luôn sẵn sàng giúp đỡ cầu bầu cho chúng ta. Ngài chính là một Vị Thượng Tế biết xót thương. Xót thương thế nào? Băng cách bênh vực loài người trước mặt Thiên Chúa. dâng các lễ vật của loài người lên Thiên Chúa, đặc biệt là lễ hy sinh đền tội, giống kiểu Thượng Tế Melkisêđê ngày xưa.

 

3. Luận đề 3 : Chức Thượng Tế của Đức Kitô (5,11-10,18)TT

     Tác giả so sánh chức tư tế của Đức Kitô với chức tư tế của Melkisêđê. Melkisêđê có 3 đặc điểm:

        a/ tên ông có nghĩa là vua công chính, vua bình an;

        b/ chính tổ phụ Abraham đã dâng lễ thập phân cho ông để tò lòng thần phục suy tôn ông;

        c/ Thánh Kinh không nói gì về dòng dõi ông, điều này có nghĩa là ông làm tư tế không do liên hệ huyết thống (cha truyền con nối) mà ông cũng không truyền chức tư tế lại cho con cháu ông, tức ông làm tư tế vĩnh viễn. Thì Đức Kitô cũng vậy: chức tư tế của Ngài là theo kiểu Melkisêđê, cao trọng hơn chức tư tế của dòng họ Lêvi (dòng họ Lêvi là con cháu của Abraham, thế mà chính Abraham còn phải suy phục Melkisêđê).

     Tác giả còn trích Tv 110,4 tiên báo sẽ có một Tư Tế khác. Tác giả giải thích câu Tv ấy rằng Vị tư tế khác ấy, theo dòng Melkisêđê để thay thế dòng Lêvi, chính là Đức Kitô. Chức tư tế của Ngài sẽ là vĩnh viễn. Hơn nữa chức tư tế của Ngài còn được củng cố bởi 1 lời thề của Chúa rằng “Con là tư tế đến muôn đời”.

     Tác giả còn đưa thêm nhiều lý luận chứng tỏ chức tư tế của Đức Kitô trổi vượt hơn chức tư tế đạo cũ, có giá trị vĩnh viễn, và lễ tế của Ngài có giá trị hơn lễ tế cũ.

 

4. Luận đề 4 : Chúng ta phải kiên trì (10,19-12,19)

     Sau khi đã chứng minh Đức Kitô là Đấng quyền thế và biết xót thương, tác giả đi đến luận đề thứ tư như một kết luận thực hành: vậy chúng ta phải kiên trì tin vào Ngài.

     Tác giả dựa vào nhiều tấm gương kiên trì trong các giai đoạn lịch sử: thời các tổ phụ, thời Môsê, thời các thủ lãnh cho tới thời Macabê. Nhưng tấm gương sáng chói nhất là chính Đức Kitô: Ngài đã kiên trì trải qua đau khổ và thập giá trước khi sống lại và tiến vào vinh quang. Tác giả dạy rằng : đau khổ là thành phần của cuộc sống kitô hữu và là bài học của Thiên Chúa: chính khi Chúa phạt ta là lúc Ngài thực sự làm Cha của ta và muốn điều lành cho ta.

Linh mục Carolo

Comments are closed.