Thuyết trình đề tài : TẾ BÀO GỐC VÀ LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI DỰA VÀO NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI

QUÁ TRÌNH PHÂN CHIA VÀ BIỆT HÓA TẾ BÀO

Tất cả các loại tế bào gốc, dù bắt nguồn từ đâu, cũng đều có 3 đặc tính chung: chúng có khả năng phân chia và tự tái tạo trong khoảng thời gian dài; chúng không bị biệt hóa; và chúng có thể phát triển thành các loại tế bào chuyên biệt. Ở điều kiện thích hợp, tế bào gốc có thể phát triển thành các mô và cơ quan chuyên biệt.

Những đặc tính độc nhất vô nhị này là yếu tố hứa hẹn, khiến tế bào gốc trở thành nguồn cung cấp tế bào, nhằm điều trị các chứng bệnh như chứng mất trí nhớ, ung thư, bệnh Parkinson, tiểu đường loại 1, chấn thương cột sống, đột quỵ, bỏng, bệnh tim, viêm khớp xương mãn tính và viêm khớp dạng thấp. Ngày nay, các mô hay cơ quan bị bệnh, bị hủy hoại đều được thay thế từ người hiến tặng. Về cơ bản, số lượng người cần cấy ghép vượt xa số lượng bộ phận thay thế sẵn có. Tế bào gốc chính là nguồn tiềm năng cung cấp các tế bào và mô có thể được ứng dụng trong điều trị nhiều căn bệnh, do tế bào gốc có thể tự phục hồi và tạo ra các tế bào chuyên biệt.

Nhờ bởi chính đặc tính này của tế bào gốc khiến các nhà khoa học say mê nghiên cứu hầu tìm kiếm các biện pháp điều trị y học nhằm thay thế các tế bào bị hủy hoại  hoặc thương tổn.

III. NHỮNG LỢI ÍCH KHẢ THỂ TRONG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TẾ BÀO GỐC

Qua các kết quả của các công trình nghiên cứu về việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành nơi con người cho thấy rằng các “Multipotent Stem Cells” (tên của một loại tế bào gốc đa-năng), có tiềm năng rất lớn trong công việc nghiên cứu lẫn việc phát triển phương pháp trị-liệu tế bào (cell therapies). Một bằng chứng cụ thể, là ta có thể dùng các tế bào gốc trưởng thành trong việc cấy, ghép. Nếu chúng ta có thể tách biệt những tế bào gốc từ bệnh nhân, rồi tạo điều kiện thuận tiện để chúng từ từ phân chia và sinh sản ra các tế bào có những chức năng chuyên-biệt. Sau đó, chúng ta đem cấy chúng trở lại cho bệnh nhân. Làm như vậy thì sẽ tránh được tình trạng các tế bào này bị từ chối hay bị phản kháng bởi cơ thể của bệnh nhân.

Cách thức sử dụng các tế bào gốc trưởng thành cho các phương pháp trị-liệu, nhằm thay thế các tế bào đã bị thoái hóa hay không còn khả năng thực hiện các chức năng riêng biệt của chúng nữa, sẽ giảm thiểu hoặc tránh né được, ngay cả việc sử dụng đến các tế bào gốc lấy được từ các phôi hoặc các mô từ bào thai người. Điều này đã và đang gây nhiều sự phản đối, vì những yếu tố về mặt luân lý.

1. Những lợi ích khả thể

Những lợi ích khả thể mà các chuyên gia nghiên cứu hiện nay đưa ra thì có lẽ nhiều vô số kể. Trong bài viết về “The Benefits of Human Cloning.” (http://www.humancloning.org/benefits.htm), thì tác giả đưa ra một số danh sách các lợi ích thực tiễn về nhân bản vô tính (Human Cloning). Nói chung hầu như là bá bệnh đều có thể trị được, nếu bằng lòng áp dụng và cho phép phương pháp tạo sinh vô tính. Vì khuôn khổ của bài viết, nên tôi mạn phép chỉ đề cập đến những gì có tính cách hiện-thực mà cộng-đồng thế giới đang mong mỏi nơi các chuyên gia nghiên cứu, dựa trên những khám phá gần đây nhất.

2. Việc sử dụng các tế bào gốc cho phương pháp trị-liệu

Phần đông các bệnh tật nơi con người là kết quả, do việc các tế bào trong con người của chúng ta ngưng hoạt động hay không làm việc theo đúng như chức năng của chúng, hoặc do bởi các mô của thân thể bị hủy hoại. Hiện nay, để thay thế cho các cơ phận hoặc ghép các bộ phận, cũng như mô không còn hoạt động bình thường, các chuyên viên y khoa đã cần phải sử dụng đến các bộ phận, tỷ dụ như tim, thận, tủy, mắt..v.v.., được hiến tặng. Tuy nhiên, không may cho chúng ta là số bệnh nhân càng ngày càng gia tăng và vượt hẳn con số về các bộ phận mà chúng ta có được (do sự hiến tặng của các ân nhân) để thay thế hay cấy, ghép. Tế bào gốc có thể cung ứng cho ta một nguồn nguyên-liệu mới phong phú, hầu có thể thay thế các tế bào và mô đã bị hỏng, nhằm chữa trị các chứng bệnh nan y, tỷ dụ như: bệnh tim, bệnh ung thư, bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường, bệnh mất trí nhớ, bệnh chấn thương cột sống, cơn đột trụy (stroke), bệnh đau nhức thấp khớp kinh niên, bị phỏng nặng..v.v.. Có thể nói hầu như các căn bệnh thông thường hiện nay, đều có nhiều cơ may điều trị bởi việc sử dụng các tế bào gốc mà gần đây các chuyên gia nghiên cứu mới khám phá ra.

Tuy nhiên, trước những dấu hiệu khả quan và những thành công rực rỡ đã và đang gặt hái được nhiều thành quả vượt bực, đáng kể trong công việc điều trị các căn bệnh đương thời. Y học ngay nay vẫn còn gặp phải một số vấn đề khó khăn trong công việc áp dụng và đưa các khám phá mới mẻ ấy vào trong công việc thực hành cụ thể nơi các sở y tế. Những khó khăn này tuy đáng kể, nhưng không phải là chúng ta không có khả năng vượt qua.

Nói tóm lại, chúng ta cần chờ đợi với thời gian để xem coi các phát minh mới ấy sẽ mang lại những lợi ích cụ thể gì cho nhân loại.

IV. QUAN ĐIỂM VÀ LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Đứng trước các phát minh mới mẻ trong ngành y-sinh học, được thực hiện đầu thế kỷ thứ 21 này, cụ thể là việc sử dụng các tế bào gốc (TBG) trong các phương pháp trị liệu. Giáo Hội Công Giáo luôn luôn tán thưởng và khuyến khích các nổ lực và sự thiện chí của các chuyên gia nghiên cứu. Cách đây vài năm tại Rôma, Thánh đô của Giáo Hội đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề, vào ngày 13-14, tháng 11, 2001 tại Đại học giáo hoàng Ateneo Pontificio Regina Apostolorum – Rôma. Hội nghị này đã được bảo trợ của 2 Đại học và 1 Học viện danh tiếng trên thế giới: Đại học Francisco de Vitoria (Madrid – Tây Ban Nha), Pontifical Athenaeum Regina Apostolorum (Rôma) và Guilé Foundation (European Institute for Social Studies – Thụy Sĩ), nhằm thảo luận về những vấn đề nan giải và những thiện ích cho con người trong công trình nghiên cứu TBG.

Tiến sĩ Esmail D. Zanjani, một trong những chuyên gia đang dẫn đầu về việc nghiên cứu tế bào gốc, hiện là giảng sư tại Đại học Nevada, Hoa Kỳ, đã đưa ra những nhận định phù hợp với quan điểm và chiều hướng lập luận hiện thời của Giáo hội Công Giáo. Ông ta phát biểu rằng: “Hiện nay, có rất nhiều dữ kiện cho thấy, chúng ta có thể thành công trong viêc sử dụng các tế bào gốc trưởng thành để điều trị các chứng bệnh về tim, và các mô bị hư hại. Sau nhiều lần thử-nghiệm thì kết quả cho thấy công việc này đã rất có hiệu nghiệm.” (Phỏng theo bài thuyết trình của Dr. Zanjani tại hội nghị – Thứ tư 14 tháng 11, 2001). Tiến sĩ Zanjani còn cho biết thêm, theo như kết quả của những cuộc thử nghiệm vừa qua, thì nó chứng minh cho ta thấy, việc dùng các tế bào gốc trưởng thành, đạt được những kết quả khả quan như đã tiên đoán. Cho nên, “Tôi (Dr. Zanjani) thiết nghĩ chúng ta không nhất thiết phải sử dụng đến các tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells), vì điều đó gặp phải nhiều sự chống đối xét về mặt luân lý, mà đồng thời kết quả thì cũng chưa chắc gì đã trỗi vượt hơn, việc dùng các tế bào gốc trưởng thành trong các phương pháp trị liệu.”

Với một lối suy tư tương tự như thế, bà Monica Lopez Barahona, giảng sư tại Đại học Francisco de Victoria (Tây Ban Nha), khi được phóng viên nhà báo phỏng vấn tại Hội nghị đã phát biểu như sau: “Không thể chấp nhận được sự việc tạo một phôi người, rồi sau đó chỉ lấy các tế bào gốc rồi thì hủy bỏ nó đi.” Bà ta nhấn mạnh, theo quan điểm của các khoa học gia, thì hiển nhiên đã có sự hiện diện của một “con người” ngay từ lúc khi trứng được thụ tinh. Vì lý do đó, không thể chấp nhận được xét về mặt đạo đức, khi sử dụng sự sống con người này (tức là các phôi bị sử dụng để lấy tế bào gốc) để cứu một người khác (để cấy ghép hoặc thay thế các bộ phận bị hư hỏng). Quan điểm này, chúng ta có thể tìm thấy trong giáo huấn của Giáo Hội:

“Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ tinh, và vì vậy cũng từ lúc đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội.”

KẾT LUẬN:

Nói tóm lại, chủ trương và lập trường của GHCG hiện nay là không cho phép việc sử dụng các phôi người như thể là một vật-liệu để nghiên cứu, điển hình là việc tạo các phôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, tách các tế bào gốc ra từ các phôi này rồi hủy chúng đi, làm như vậy theo quan điểm của Giáo Hội là không thể chấp nhận được, xét về mặt luân lý. Vì Giáo hội xác tín rằng: ngay từ giây phút thụ tinh, thì đã có xuất hiện sự sống con người (xem Huấn Thị Donum vitae và Thông điệp Evangelicum vitae). Điều này không ngừng được Cố ĐTC Gioan Phaolô II lập đi lập lại, trích từ Huấn thị “Qùa Tặng Sự Sống – Donum vitae” và “Tuyên Ngôn về Việc Chủ Ý Phá Thai – Declaration on Procured Abortion”:

“Ngay từ khi trứng được thụ tinh, một sự sống mới được bắt đầu, mà sự sống ấy không phải là của cha cũng chẳng phải của mẹ, nhưng đúng hơn đó là sự sống của một con người mới và nó có thể tự mình phát triển.”

Lẽ đó, ĐTC kêu gọi, các cộng đồng và hiệp hội các khoa học gia trên thế giới “hãy tôn trọng tuyệt đối sự sống con người từ giây phút mới bắt đầu cho đến hơi thở cuối cùng.”

Lm Trần Mạnh Hùng, S.T.D

Copyright© 2015 by Trần Mạnh Hùng

Email: [email protected]


[1] . Xem Takahashi et al., “Induction of Pluripotent Stem Cells from Adult Human Fibroblasts by Defined Factors,” Cell (2007), DOI 10.1016/j.cell.2007.11.019.
[2] . Xem Yu et al., “Induced Pluripotent Stem Cell Lines Derived from Human Somatic Cells,” Science 20 November 2007: 1151526v1, DOI: 10.1126/science.1151526.
[3] Thuật ngữ “tế bào gốc” chỉ tất cả những tế bào chưa biệt hóa có khả năng phân chia thành bất cứ loại tế bào nào. Tế bào gốc sản sinh ra một cặp tế bào con (daughter cells), trong đó một tế bào sẽ phát triển để biệt hóa, tế bào còn lại phát triển thành tế bào gốc mới thay thế tế bào gốc ban đầu. Thuật ngữ “gốc” chỉ ra rằng những tế bào này là nguồn gốc của các tế bào chuyên biệt khác.  Trong cơ thể có rất nhiều tế bào gốc ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Ví dụ, tất cả các tế bào não đều được tạo ra từ một nhóm tế bào thần kinh gốc. Mỗi một tế bào thần kinh gốc lại sinh ra một tế bào não và một bản sao của chính nó trong mỗi lần phân chia. Những tế bào gốc đầu tiên là những tế bào được sinh ra trong lần phân chia thứ nhất của trứng đã thụ tinh được gọi là tế bào gốc phôi, nhằm phân biệt chúng với các nhóm tế bào hình thành sau ở các mô cụ thể (như tế bào thần kinh gốc). Những tế bào gốc phôi (trong giai đoạn đầu tiên) phát triển thành tất cả các loại mô trong cơ thể, vì thế chúng được đặt cho cái tên “tế bào toàn năng” có thể tạo ra mọi loại tế bào.
[4] Totipotent Stem Cells: Tế bào gốc toàn năng. Loại tế bào này phát triển sau khi trứng được thụ tinh khoảng 3-4 ngày, chúng hiện diện ở phôi bào (Blastocyst). Nếu các chuyên gia tách một trong các tế bào này và cấy vào tử cung của người phụ nữ thành công. Tế bào tổng năng này sẽ phát triển thành một thai nhi.
[5] Pluripotent Stem Cells: Tế bào gốc đa năng. Chúng chỉ có khả năng phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể, gồm các tế bào có các chức năng chuyên biệt. Tuy nhiên, chúng không có khả năng để phát triển thành một hữu thể như là tế bào gốc toàn năng (Totipotent Stem Cells).
[6] . Các loại tế bào gốc này được gọi là tế bào gốc trưởng thành (Adult Stem Cells), để phân biệt chúng với tế bào gốc phôi, gọi là embryonic stem cells.
[7] Trong Từ Điển Y Khoa của Việt Nam thì từ Pluripotent và Multipotent đều có nghĩa là đa năng, lẽ đó người viết muốn sử dụng các từ chuyên môn bằng Tiếng Anh để chỉ rõ sự khác biệt về các tên gọi của mỗi loại tế bào gốc, khi bàn đến chức năng và sự khác biệt của chúng.
[8] ADN viết tắt của cụm từ – Acid Deoxyribonucleic. The genetic material found in all living things; contains the inherited characteristics of every living organism – Cấu tử cơ bản di truyền.
[9] Xem bài viết của Linh mục Trần Mạnh Hùng, Tế Bào Gốc và Lập Trường của Giáo Hội tại http://www.khoahoc.net/baivo/tranmanhhung/131207-tebaogocvagiaohoi.htm
[10] Xem Maureen L. Condic, “The Basics About Stem Cells,”  First Things (January 2002). http://www.firstthings.com/article.php3?id_article=1959

Tài liệu đính kèm

Thuyết Trình Đề Tài : Tế Bào Gốc Và Lập Trường Của Giáo Hội Dựa Vào Những Khám Phá Mới

1 2 3 4 5

Comments are closed.