Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: thần học hiện hữu là vì đức tin

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế là ủy ban được đặt dưới sự chủ tọa của vị tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, hiện là Đức TGM Gerhard Muller. Ủy ban này qui tụ một nhóm thần học gia Công Giáo tiếng tăm trên thế giới, do Đức Phaolô VI thành lập để nghiên cứu các đề xuất của thượng hội đồng giám mục thế giới lần đầu tiên, được tổ chức ngày 11 tháng 4 năm 1969, liền sau Công Đồng Vatican II. Nó mới mừng 40 năm hiện diện vào năm 2009. Nhân dịp Năm Đức Tin, Ủy ban có tuyên bố sau đây:

Đức tin tìm kiếm hiểu biết, thần học chỉ hiện hữu vì ơn phúc đức tin. Nó luôn giả thiết chân lý đức tin và tự gán cho mình nhiệm vụ phải biểu lộ “sự phong phú khôn dò” (Eph 3:8) của chân lý ấy vì niềm vui thiêng liêng của toàn thể cộng đồng tín hữu và để phục vụ sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của cộng đồng này.

Bởi thế, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế tiếp nhận, với lòng biết ơn, lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong tông thư “Cánh Cửa Đức Tin” của ngài (ngày 11 tháng 10, năm 2011) để cử hành Năm Đức Tin. Mỗi thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế sẽ đích thân tham dự các biến cố khác nhau nhằm kỷ niệm Năm Đức Tin này. Nhưng, trong tư cách một cộng đoàn đức tin, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế muốn lưu ý tới sứ điệp hoán cải vốn là trọng điểm của Năm Đức Tin và muốn canh tân các dấn thân của mình trong việc phục vụ Giáo Hội. Để làm những việc này, ngày 6 tháng 12, năm 2012, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, dưới sự lãnh đạo của vị Chủ Tịch, Đức Cha Gerhard Müller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, sẽ làm cuộc hành hương tới Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả trong kỳ họp khoáng đại hàng năm của mình, và ở đấy, sẽ phó thác mọi hoạt động của mình cũng như mọi hoạt động của các thần học gia Công Giáo cho sự cầu bầu của Trinh Nữ Maria tín trung, mẫu mực của mọi tín hữu, thành trì của đức tin chân thực, đấng đã được tuyên xưng là “diễm phúc” chỉ vì đã tin (Lc 1:45).

Liên quan tới Năm Đức Tin, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế cam kết sẽ cung cấp, giữa lòng Giáo Hội, sự đóng góp chuyên biệt của mình cho công cuộc tân phúc âm hóa do Tòa Thánh phát huy, bằng cách thăm dò mầu nhiệm mạc khải vì lợi ích của các tín hữu, dựa vào mọi tài nguyên của lý trí được đức tin soi sáng, ngõ hầu cổ vũ sự tiếp nhận đức tin ấy trong thế giới ngày nay, vì “nội dung chủ yếu mà trong nhiều thế kỷ vốn tạo nên gia sản cho mọi tín hữu cần được củng cố, hiểu biết và thăm dò một cách mới mẻ, để nó có thể làm chứng một cách nhất quán trong các tình huống lịch sử rất khác với các tình huống của quá khứ” (Đức Bênêđíctô XVI, Porta Fidei, số 4).

Tài liệu gần đây của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, tựa là Thần Học Ngày Nay: Các Viễn Ảnh, Nguyên Tắc và Tiêu Chuẩn đã khai triển cái hiểu cho rằng thần học được hoàn toàn dẫn khởi từ đức tin, được thực hành trong sự tùy thuộc đức tin được dân Chúa sống dưới sự hướng dẫn của các mục tử. Thực thế, chỉ có đức tin mới giúp thần học gia thực sự đạt tới đối tượng của nghiên cứu thần học: tức chân lý về Chúa, một chân lý hàng tắm gội toàn thể thực tại trong ánh sáng một ngày mới, dưới lý lẽ của Thiên Chúa. Cũng chính đức tin được tình yêu làm cho sinh động đã đánh thức nơi thần học gia cái năng động thiêng liêng cần thiết để không mệt mỏi thăm dò “sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong đa dạng tính phong phú của nó… (một sự khôn ngoan) đã được tỏ lộ… phù hợp với mục đích đời đời mà Người đã thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Eph 3:10-11). Như Thánh Tôma Aquinô từng viết: “khi bất cứ ai sẵn sàng tin, họ sẽ yêu chân lý họ tin, họ sẽ suy tư về nó, sẽ bênh vực nó với bất cứ lý lẽ nào họ có thể tìm ra” (Summa theologiae, IIae-IIae, q.2, a.10).

Thần học gia tìm cách nhập thân (inculturate) vào trí hiểu con người dưới hình thức một khoa học chân chính nội dung khả niệm của “đức tin vốn đã được ủy thác cho các thánh một lần mãi mãi” (Thư Giuđa 3). Nhưng thần học gia cũng chú ý đặc biệt tới chính hành vi đức tin. Thần học gia có nhiệm vụ “hiểu cách sâu sắc hơn không những nội dung đức tin, mà cả hành vi qua đó ta quyết định trao phó hoàn toàn con người ta cho Thiên Chúa, một cách hoàn toàn tự do. Thực vậy, có một sự thống nhất sâu xa giữa hành vi nhờ đó ta tin và nội dung được ta chấp nhận” (Đức Bênêđíctô XVI, Porta Fidei, số 10). Thần học gia làm nổi bật ý nghĩa nhân bản lớn lao của hành vi ấy (xem Đức Gioan Phaolô II, Fides et ratio, số 31-33), bằng cách tìm hiểu xem ơn dự phòng của Thiên Chúa làm cách nào đã rút ra được lời xin vâng của đức tin từ trong trái tim tự do của con người, và chứng tỏ rằng đức tin là “nền tảng của toàn bộ tòa nhà thiêng liêng” (Thánh Tôma Aquinô, In III Sent., d. 23, q. 2, q.1, a.1, ad 1; Xem thêm Summa theologiae, IIa-IIae, q. 4, a.7), vì nó thông tri cho ta mọi chiều kích đa dạng của cuộc sống Kitô Giáo, cả cuộc sống bản thân, lẫn cuộc sống gia đình và cộng đoàn.

Không những việc làm của thần học gia tùy thuộc đức tin sống động của dân thánh Kitô Giáo, biết lắng nghe “mọi điều Chúa Thánh Thần ngỏ với các giáo hội” (Kh 2:7), mà trọn mục tiêu của nó còn là cổ vũ sự lớn mạnh về đức tin của dân thánh này và sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội. Thần học “phát sinh, nuôi dưỡng, bênh vực, và củng cố đức tin vẹn toàn nhất đó” (Thánh Augustinô, De Trinitate, XIV, 1,3). Quả vậy, ơn gọi của thần học gia là hợp tác một cách có trách nhiệm với Huấn Quyền để phục vụ đức tin của Dân Chúa (xem Huấn Thị Donum veritatis, tháng 5 năm 1990).

Cũng một cách như thế, thần học gia là người phục dịch niềm vui Kitô Giáo, tức “niềm vui chân lý” (Thánh Augustinô, Confessions, X, 23, 33). Thánh Tôma Aquinô phân biệt ba chiều kích trong hành vi tin: “nói ‘tôi tin Thiên Chúa’ (credo Deum) là một chuyện, vì điều này cho biết đối tượng. Nói ‘tôi tin nơi Thiên Chúa’ (credo Deo) là chuyện khác, vì điều này nhấn mạnh tới người làm chứng. Nhưng nói ‘tôi tin vào Thiên Chúa’ (credo in Deum) lại là một chuyện khác nữa vì điều này nói tới cùng đích hay mục tiêu của đức tin: trong khi đối tượng và người làm chứng có thể là một tạo vật, thì chỉ có Thiên Chúa mới là cùng đích của đức tin, vì tâm trí ta chỉ hướng về một mình Thiên Chúa như cùng đích mà thôi” (Thánh Tôma Aquinô, In Ioannem, c. 6, lectio 3). Tin vào Thiên Chúa (credere in Deum) mới là chủ yếu đối với năng động tính của đức tin. Nhờ biết gắn bó với Lời Chúa bằng một đức tin bản vị, người tín hữu thuận theo sự lôi cuốn tối hậu của Sự Thiện trọn vẹn và tuyệt đối là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính ước muốn được hạnh phúc, một ước muốn bắt rễ sâu trong trái tim mọi con người nhân bản, đã thúc đẩy tinh thần ta và dẫn con người tới cùng đích trong một phó thác đầy tin tưởng vào Thiên Chúa và là Cha Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Theo nghĩa này, đức tin, và thần học hiểu như khoa học về đức tin và khôn ngoan, đem lại cho mọi “người yêu cái đẹp thiêng liêng” (Thánh Augustinô, Regula ad servis Dei, 8,1) một tiền vị đủ mùi thơm tho của niềm vui trường cửu.

Vũ Văn An
Nguồn vietcatholic

Comments are closed.