Lời Chúa LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA, 01-01-2023 ֎ BÌNH AN MỖI NGÀY, DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA, 01-01-2023

֎

BÌNH AN MỖI NGÀY,

DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA

Hai bài đọc đầu tiên cho biết bí mật của hạnh phúc và bình an; hai thứ này chỉ có thể được thực hiện dưới cái nhìn nhân từ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về niềm hạnh phúc của các con cái Thiên Chúa là được tự do, trong khi Thánh Matthêu cho thấy niềm vui của các mục đồng và niềm vui mật thiết, sâu xa của Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu.

Bài đọc I : Ds 6, 22-27

Lời chúc lành cổ xưa này vừa thân mật vừa trang trọng. Lời chúc đó được Thiên Chúa gợi ý cho Mô-sê, người phải truyền nó lại cho anh mình là A-a-ron và các con trai của ông là các tư tế. Và Lời chúc đó được gửi đến toàn thể dân tộc đang trong sa mạc. Tính độc đáo của lời chúc đó hệ tại sự kiện là nó không tập trung vào của cải trần gian, nhưng đặc biệt hướng về Thiên Chúa và tập trung vào sự bảo vệ của Thiên Chúa cũng như vào cái nhìn của Thiên Chúa trên từng người. Cái nhìn này của Thiên Chúa là ánh sáng, ân sủng và bình an. Hạnh phúc của con người chỉ có thể đến từ mối quan hệ trong sáng và mặn nồng giữa Thiên Chúa và các người tin.

Thánh Vịnh đáp ca : Tv 66 (67)

Thánh vịnh này chắc chắn được gợi hứng từ lời cầu nguyện từng được dạy cho A-a-ron và các con của ông, là các tư tế, bằng cách mở rộng nó ra ngoài cộng đoàn Israel. Ở đây chúng ta có ba khổ thơ tưng bừng cầu chúc ơn cứu độ của Thiên Chúa đạt đến “giữa mọi dân tộc” và mời gọi chính những dân tộc này hát lên mừng niềm vui của mình. Trong khổ thơ cuối cùng, cộng đoàn cầu nguyện nhìn thấy nơi hoa quả của trái đất một phúc lành thực sự thiêng liêng và ước mong “toàn trái đất” tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Điều này nói lên rằng các thánh vịnh bắt nguồn sâu xa như thế nào trong những khát vọng cao cả nhất của con người, bao gồm cả việc đánh giá hoa quả của trái đất, là kết quả của sức lao động của con người và sự chúc phúc của Thiên Chúa.

Bài đọc II : Gl 4, 4-7

Ở đây, Phaolô cung cấp cho chúng ta bản tường thuật của ông, kém phát triển hơn so với các bản tường thuật của bốn sách Tin Mừng, về sự chào đời và sự nhập thể của Chúa Con. Câu đầu tiên là một sự phong phú khiến người ta liên tưởng đến lời mở đầu của Gioan: “khi thời gian tới hồi viên mãn”, nghĩa là một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Tuy nhiên, Phaolô không đề cập đến ngày tháng, nơi chốn, thậm chí tên mẹ của đứa trẻ. Nếu không có những từ gợi lên mầu nhiệm nhập thể (“Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm”, Ga 1, 14) như Gioan, thì Phaolô tiếp cận mầu nhiệm này một cách gián tiếp, bằng cách nói :Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật”. Thế nhưng, Người Con này đã đến, để đến lượt chúng ta, chúng ta sẽ được “nhận làm dưỡng tử” với tư cách là con cái của Thiên Chúa.

Tin Mừng : Lc 2, 16-21

Các mục đồng là những người đầu tiên nhận được tin mừng về sự ra đời của Chúa Giêsu, do sứ thần của Chúa cho biết, và họ đã tỏ lòng tôn kính hài nhi được cha mẹ đặt nằm trong “máng cỏ” ở Bêlem. Họ không thốt ra một lời nào ở nơi này, nhưng nhanh chóng trở thành những người loan báo tin mừng nhận được từ thiên thần của Chúa, và về tất cả những gì họ đã thấy nơi Hài Nhi. Giuse vẫn thận trọng và Maria cũng vậy, nhưng dễ đoán được hạnh phúc của hai vị. Luca, người đã dành nhiều chỗ cho Đức Maria trong các chương đầu tiên của sách Tin Mừng của mình, đã trình bày cho chúng ta một người phụ nữ có đức tin mạnh mẽ, người đã “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.