Lời Chúa Chúa Nhật XX-TN_C, 14-8-2022 Lc 12, 49-53  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là dấu hiệu tột bậc của sự chống báng”

LECTIO DIVINA

Chúa Nhật XX-TN_C, 14-8-2022

Lc 12, 49-53

 Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là dấu hiệu tột bậc của sự chống báng

1.LECTIO

“Thầy không đến để ban hoà bình, nhưng là đem sự chia rẽ”

Trong bối cảnh của một tiên tri thời Cựu Ước, là Giêrêmia, “một người xung đột và bất đồng với cả quê hương dân tộc”, dung mạo Chúa Giêsu có được chiều sâu và ý nghĩa lớn hơn. Bằng sự vâng phục kiên quyết đối với ý muốn cứu độ của Chúa Cha, cùng với sự hy sinh vượt qua của mình trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành dấu hiệu tột bc của sự chống báng, vượt trên Giêrêmia và các tiên tri trung thành khác. Trong phần đầu tiên của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về nỗi thống khổ sâu xa của tâm hồn Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !” (Lc 12, 49-50). “Ngọn lửa” mà Chúa Giêsu rất ước mong nhóm lên là ngọn lửa Ngũ Tuần của Thần Khí Thiên Chúa, ân huệ Phục sinh của Ngài cho Giáo Hội. Nhưng để ngọn lửa này bùng cháy, Chúa Giêsu cần phải trải qua “phép rửa” và việc tắm máu là sự hy sinh vượt qua của Ngài. Ngài cần phải dìm mình vào kinh nghiệm đau đớn là cuộc khổ nạn và cái chết, dẫn đến sự phục sinh, sự tôn vinh Ngài và việc thông truyền Chúa Thánh Thần trao ban sự sống và biến đổi. Với ước mong đau khổ, “vị tiên tri của chống báng tột bậc” là Chúa Giêsu Kitô lao vào sứ mệnh cứu độ của mình và nỗ lực để đạt được mục tiêu : là bao phủ trái đất và toàn thể tạo vật bằng ngọn lửa của Thần Khí tác sinh, sau khi chịu nhấn chìm trong cuộc tắm máu là cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài.

Phần hai của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay liên quan đến những chia rẽ do sứ mệnh của Chúa Giêsu tạo ra, ngay trong các gia đình. Đường lối của Chúa Giêsu – “duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên” – xúc tác đến sự chia rẽ và gây ra xung đột giữa những người triệt để chọn Ngài và những người không chọn Ngài. Ân huệ bình an của Chúa Giêsu, – kết quả của việc Ngài dìm mình vào cuộc tắm máu là sự hy sinh vượt qua của Ngài -, không phải là một bình an dễ dàng. Bình an này đòi hỏi phải từ chối tất cả những gì chống lại Đức Kitô và những gì không phù hợp với Tin Mừng.

2.MEDITATIO
Như Giêrêmia, tôi có sẵn sàng trở thành “dấu hiệu của sự chống báng” để chứng thực và công bố Lời Chúa không ?
Tôi có mong muốn được nhận chìm với Chúa Giêsu vào trong “phép rửa” vượt qua của Ngài và được bùng cháy bởi “ngọn lửa” mà Chúa Giêsu nhóm lên trong lòng tôi không ?
Tôi có chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự hy sinh tự hiến của Chúa Giêsu và việc Ngài trao ban Thánh Thần của Ngài không ?
Tôi có sẵn sàng chấp nhận sự thanh thoát, sự từ bỏ và chống đối mà bình an của Đức Kitô có thể đòi hỏi không ?
3.ORATIO

Lạy Cha yêu thương, tiên tri Giêrêmia của Cha đã trở thành “dấu hiệu của sự chống báng” qua việc công bố lời sự thật của Cha cho một dân tộc tắc trách. Để hoàn tất một cách triệt để kế hoạch cứu độ của Cha, Cha đã phái Con của Cha là Chúa Giêsu đến thế gian. Ngài là “dấu hiệu tột bậc của sự chống báng” khi nói lời cứu độ của Cha. Xin cho chúng con được tràn đầy “lửa” Thánh Thần mà Ngài đã nhóm lên trên mặt đất. Xin nhấn chìm chúng con vào cuộc tắm máu cứu chuộc của Ngài trên thập giá. Xin ban cho chúng con bình an của Đức Kitô, bình an không bao giờ tàn lụi. Chúng con tôn vinh và ngợi khen Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

 Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ

5.ACTIO

Đang khi xa tránh những thỏa hiệp dễ dãi và những trao đổi tùy tiện, tôi mang bình an của Đức Kitô đến cho một hoàn cảnh gây đau khổ cần được chữa lành và hòa giải. Và tôi can đảm trở thành “dấu hiệu của sự chống báng” khi hoàn cảnh đòi hỏi.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.