Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B – Ngày 02-05-2021

Lời Chúa: Ga 15,1-8

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho ; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

 


Suy niệm

Ở LẠI TRONG ĐỨC KITÔ

Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì (Ga 15, 6)

Khi viết Tin Mừng, các thánh sử đều có phong cách diễn đạt mang nét riêng của mình. Xét theo phương diện từ vựng, chúng ta nhận thấy tác giả của Tin Mừng Thứ Tư sử dụng ít từ vựng nhất (chỉ khoảng 1011 từ trong 21 chương, trong khi đó Mc chỉ với 16 chương nhưng gồm 1345 từ vựng). Một lý do trong việc sử dụng ít từ vựng của thánh Gioan đó là: Thánh Gioan sử dụng cách viết lặp từ, Ngài dùng cách viết này nhằm diễn đạt tư tưởng của mình được rõ và sâu hơn. Một học giả đã ví lối viết này của thánh Gioan tựa như sóng biển dâng lên, lớp sau phủ lên lớp trước nhưng ngày càng lấn vào trong bãi biển sâu hơn (I. De La Potterie). Trong bài Tin Mừng vừa nghe, ta dễ nhận ra động từ được lặp lại nhiều lần nhất (đến 8 lần) đó là từ “ở lại, ở trong”. “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” (Ga 15, 6). Vậy, thế nào là “ở trong Thầy”, và “sinh nhiều hoa trái” ở đây là gì?

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và việc chăm sóc nó để diễn tả điều này cách tài tình. “Thầy là cây nho, Cha thầy là người trồng nho, còn các con là nhành”. Việc “ở lại trong Thầy” nghĩa là nhành nho muốn sinh hoa trái thì phải gắn chặt vào thân cây nho. Tuy nhiên, có những nhành tuy vẫn dính vào cây, lại không sinh được hoa trái nên đã bị Chủ Vườn cắt bỏ (X. Ga 15, 2). Qua đó, chúng ta nhận ra cần có thêm một điều kiện nữa mới có thể sinh hoa trái được. “Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con”. Như vậy, động từ “ở trong, ở lại” được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay, không có nghĩa là bám chắc vào một cách thụ động, nhưng là thi hành cách năng động của người môn đệ đối với Lời của Chúa, nghĩa là làm theo những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy và nêu gương.

Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng ta cần đặt bài Tin Mừng hôm nay nằm trong mạch văn của Tin Mừng Thứ Tư, tức là trong bối cảnh bữa tiệc ly, cụ thể là sau khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và truyền dạy giới răn yêu thương. “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 12, 15). Như vậy, chỉ khi người môn đệ kết hợp cách thường xuyên và mật thiết với Chúa Giêsu, thì họ mới có thể sinh nhiều hoa trái và điều dó sẽ làm Chúa Cha được tôn vinh.

“Còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn”. Từ “tỉa sạch” nguyên ngữ Hy Lạp là “kathairei” mang hai nghĩa: cắt tỉa, và bắt sâu bọ. Người môn đệ thăng tiến hơn trong đời sống là do liên kết với thân cây nho – là chính Đức Kitô và được chính Người Trồng Nho – Chúa Cha săn sóc để sai trái hơn. Thiết nghĩ, việc “cắt tỉa” những thói hư tật xấu và “bắt sâu bọ” tội lỗi luôn làm cho chúng ta cảm thấy khó khăn và đau đớn; tự sức chúng ta cũng không thể thực hiện được. Điều này không phải là cảm nghiệm riêng của chúng ta; mà chính Đức Giêsu đã quả quyết điều này: “Không có Thầy anh em không thể làm gì được”. Vì thế, ngoài việc kết hiệp với ơn Chúa, người Kitô hữu cần phải ý thức và từ bỏ những thói hư tật xấu và tội lỗi của mình, cùng với việc năng suy ngắm Lời Chúa và lãnh nhận các Bí Tích, thì cuộc sống của họ sẽ biến đổi và sinh được nhiều hoa trái.

Giữa cuộc sống nhiều chông gai và đầy những cạm bẫy, chúng ta thật dễ ngã lòng mà quên không cậy dựa vào Chúa. Khi xưa Chúa đã phán “Không có thầy, các con không thể làm gì được”, xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta, để chúng ta biết thực thi lệnh truyền của Chúa: sống yêu thương và phục vụ, nhờ đó Tin Mừng của Chúa được đem đến cho mọi người và danh Chúa Cha được cả sáng trên mặt đất này. Amen


Comments are closed.