CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVIII-TN_C, 09-10-2022 ֎ THIÊN CHÚA CỦA MỌI NGƯỜI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXVIII-TN_C, 09-10-2022

֎

THIÊN CHÚA CỦA MỌI NGƯỜI

Bài đọc I và bài Tin Mừng gợi lên những sự chữa lành kỳ diệu khỏi bệnh phong cùi, một căn bệnh thực tế không thể chữa khỏi. Tiên tri Êlisê chữa khỏi bệnh phong cùi cho Naaman người Syria, người đã trở lại đạo thờ Thiên Chúa của Israel, và Chúa Giêsu chữa lành cho mười người phong cùi, trong đó chỉ có một người, người Samaria, bày tỏ đức tin của mình vào Chúa.

Bài đọc I : 2 V 5, 14-17

Bản văn này không thiếu sự mỉa mai. Tướng quân Naaman người Syria, thân tín của vua Aram, bị bệnh phong cùi, không tìm được ai chữa cho mình. Một người hầu gái trẻ tuổi, bị bắt cóc đem ra khỏi quê hương Israel của cô, thông báo cho Tướng quân biết : ở Israel, có một tiên tri có thể chữa cho ông sạch. Tướng quân lên đường với cả một đoàn người và nhiều tài sản, đi đến nhà của vị tiên tri. Tiên tri này yêu cầu người phong cùi dìm mình bảy lần trong sông Giođan, một con sông mà Naaman thấy không ấn tượng mấy so với những con sông lớn ở đất nước của ông. Cuối cùng, ông tuân theo lệnh của Êlisê: ông liền được chữa lành và cải đạo theo Thiên Chúa duy nhất của Israel.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 98 (97)

Điệp khúc và mỗi khổ thơ của thánh vịnh đều dùng từ “chiến thắng” để dịch từ gốc tiếng Do Thái là “yasha’ ” (cứu độ, ơn cứu độ). Nói đến “cánh tay chí thánh”, “bàn tay hùng mạnh” và “kỳ công” là nói đến các biến cố của cuộc Xuất hành. Khổ thơ thứ hai cũng là bản tóm tắt những nét đặc sắc về Thiên Chúa của Xuất Hành và Giao ước: công chính, ân tình, tín nghĩa. Nếu vấn đề nói ở đây là các sự kiện thành lập Israel, thì người ta không thể không nhận ra quan điểm phổ quát của khổ thơ thứ ba: “toàn cõi đất” đã xem thấy ơn cứu độ, và được mời gọi chia sẻ những lời tung hô, chúc tụng, đàn hát mừng Chúa.

Bài đọc II : 2 Tm 2, 8-13

Phaolô đang ở trong tù khi viết bức thư thứ hai này cho Timôthê, người môn đệ “yêu dấu” của Phaolô. Chúng ta thấy Phaolô biết cách kết hợp các vấn đề giáo thuyết với các cân nhắc, xem xét mục vụ đến mức độ nào. Ngay từ đầu, Phaolô đã tóm tắt Tin Mừng của mình thế này : “Hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít”. Ký ức về sự phục sinh của Đức Kitô và sự nhìn nhận Đức Kitô là “Đấng Thiên Sai”, là hai trụ cột làm nền tảng cho các tác phẩm viết và thừa tác vụ tông đồ của Phaolô. Xác tín về sự tự do tột bậc và không thể lay chuyển của lời Chúa, Phaolô không hề đánh giá thấp sự đau khổ của mình là một người tù vì Tin Mừng. Ở phần cuối của đoạn trích này, Phaolô xem xét hai kịch bản tích cực và hai kịch bản tiêu cực: hoặc ta sống và hiển trị với Đức Kitô, hoặc ta chối bỏ Đức Kitô và tự tước bỏ sự phong phú của lời Ngài.

Tin Mừng : Lc 17, 11-19

Chúa Giêsu vẫn đang trên đường lên Giêrusalem, nơi định mệnh trần gian của Ngài sẽ bày tỏ ra. Trên đường đi, Chúa vào một làng kia có mười người phong cùi xin Chúa thương xót họ. Thật lạ lùng, Chúa Giêsu không cứu chữa họ ngay lập tức khỏi bệnh phong, nhưng lại bảo họ đi trình diện với các tư tế. Vừa lên đường đi, mười người phong cùi này đã được sạch, nhưng chỉ có một người trong số họ, khi thấy mình được chữa khỏi, đã trở lại với Chúa Giêsu, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu, Đấng chữa lành cho mình. Mà người này lại là một người Samaritanô. Chúa Giêsu nhìn nhận tính đích thực của đức tin của người ấy, đang khi lấy làm tiếc về sự vô ơn của chín người phong cũng đã được chữa lành kia. Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu khen ngợi một người Samaritanô, lần thứ nhất là trong trình thuật dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 30-37).

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.