CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVI-TN_C, 25-9-2022 ֎ TAI HỌA CHO NGƯỜI GIẦU

 

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXVI-TN_C, 25-9-2022

֎

TAI HỌA CHO NGƯỜI GIẦU

Tiên tri A-mốt tố cáo thói xa hoa của những người giàu có, tìm cách quên đi thảm họa đang ập xuống Israel. Chúa Giêsu chia sẻ sự phẫn nộ của nhà tiên tri, với dụ ngôn về một người giàu có, nặc danh nhưng không có một chút thương xót đối với Lagiarô. Lagiarô này được đón nhận vào Thiên đàng trong khi người giàu thấy mình ở trong hỏa ngục !

Bài đọc I : Am 6, 1a. 4-7

Tiên tri A-mốt có cái nhìn hết cách cứu chữa về lối sống đế vương của những người giàu có ở miền Nam (Sion / Giêrusalem) và miền Bắc (Samaria). Cuộc sống của họ chỉ là tìm kiếm những thú vui, những bữa ăn xa hoa và đầy bia rượu. Sự thỏa mãn của phường hội của họ là tất cả những gì ích kỷ nhất, và “họ không hề băn khoăn lo lắng về thảm họa của Israel”. Nhưng các thành phần của “lũ quân phè phỡn” sẽ phải trách cứ chính mình, vì đã không biết lắng nghe lời Chúa và lời của vị tiên tri của Chúa.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 146 (145)

Trong khi bài đọc đầu tiên cho thấy sự vô cảm của những người giàu trong liên hệ với người nghèo, thì thánh vịnh ở đây chỉ ra một loạt các biện pháp và sự can thiệp của Chúa. Các biện pháp và sự can thiệp này trình bày một trong những lý tưởng cao cả nhất, đó là : xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù lòa, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ. Như thế, đây là những gì cần làm để hình thành thế giới mà Thiên Chúa muốn có và yêu thương. Nghĩa là các tiên tri và thánh vịnh gia đồng ý với nhau về những cử chỉ làm vui lòng Thiên Chúa và biến chúng ta nên con cái thật của Ngài.

Bài đọc II : 1 Tm 6, 11-16

Phaolô rất quý mến Timôthê, người mà Phaolô gọi trước hết là “người của Thiên Chúa” và được Phaolô khuyến khích “thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin”. Để làm được điều này, Timôthê cần phải tìm kiếm những đức tính có nơi các tiên tri như A-mốt, đó là “sự công chính, lòng đạo đức, đức tin, đức mến, sự nhẫn nại và tính hiền hoà”. Vị Tông đồ cũng cho môn đệ của mình biết về “sự xuất hiện của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”. Những lệnh truyền của Phaolô phát xuất từ một niềm hy vọng thanh thản và tuyệt đẹp, không giống như những lời của một số khải huyền ngụy tác đương thời gieo rắc sự hoang mang và sợ hãi.

Tin Mừng : Lc 16, 19-31

Mặc dù sử dụng kiểu nói nhẹ nhàng và có thể nói là, tế nhị hơn để trình bày dụ ngôn, Chúa Giêsu vẫn quyết định chọn một vụ gây tai tiếng, vốn, than ôi, quá thường xuyên là một phần của cuộc sống hàng ngày. “Một ông nhà giàu kia, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Có lẽ ông nhà giàu không biết, hay đúng hơn là không muốn biết, rằng “nằm trước cổng nhà ông” là một người nghèo trong bộ dạng tồi tệ, và ông nhà giàu đã không rủ lòng giúp đỡ con người tội nghiệp này. Người nghèo chết, và người giàu cũng vậy. Thật kỳ lạ, chính trong hỏa ngục mà ông nhà giàu quan tâm đến người nghèo khó đang ở trong lòng Abraham. Cũng chính tại hỏa ngục, ông nhà giàu quan tâm đến anh em của mình, nên nài xin Abraham can thiệp giúp họ. Câu trả lời phát ra từ miệng của vị Tổ phụ : chính ngay trên trần gian, người ta phải nghe theo Mô-sê và các tiên tri, cùng hoán cải, để chăm sóc người nghèo !

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.