CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIV-TN_C, 11-9-2022 ֎ THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT VÔ CÙNG

 

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXIV-TN_C, 11-9-2022

֎

THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT VÔ CÙNG

Tội lỗi của đoàn dân chối bỏ giao ước vừa mới ký với Thiên Chúa, là rất nặng. Tội của Đavít cũng vậy. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng lớn hơn những tội lỗi này. Và phải nói gì về niềm vui mà Thiên Chúa cảm nhận đối với con chiên tìm lại được và về sự tha thứ hoàn toàn dành cho đứa con đi hoang ?

Bài đọc I : Xh 32, 7-11.13-14

Trong khi Mô-sê còn ở với Chúa trên núi, thì dân của ông, ở dưới chân núi, đã nổi loạn ngay sau khi ký kết giao ước với Chúa. Dân chúng đã chọn các vị thần khác cho mình và làm ra một con bê bằng kim loại nóng chảy, rồi tất cả đều cúi đầu trước con bê này. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lập tức bùng lên, và Ngài chuẩn bị tiêu diệt “đám dân cứng đầu cứng cổ” này. Tuy nhiên, Thiên Chúa hứa làm cho Mô-sê thành “một dân lờn”. Mô-sê khẩn cầu cho dân, và dù tội của dân lớn đến đâu, Mô-sê vẫn “cố làm cho nét mặt Thiên Chúa dịu lại” bằng cách gợi lên những lời Thiên Chúa đã hứa với Abraham, Isaac và Giacop. Và dù tội lỗi của dân lớn đến mấy, Thiên Chúa cũng từ bỏ việc làm họ tổn thương.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 51 (50)

Lần này, chính Vua David là người có liên can. Tuy nhiên, câu thứ hai của thánh vịnh (không được trích trong phụng vụ) vẫn kín đáo : “Tiên tri Nathan đến gặp Đavít, sau khi Đavít đã đến với bà Bersheba”. Lỗi của Đavít là lỗi kép : một mặt Đavít phạm tội ngoại tình với Bersheba, và mặt kia là việc Đavít mưu tính dùng người khác giết chồng của Bersheba (2 Sm 11, 2-5.11-17). Ngay cả những người vĩ đại nhất cũng không tránh khỏi tội lỗi. Thánh vịnh 51 (50) là thánh vịnh trong sáng nhất trong các thánh vịnh về sự sám hối và sự tha thứ, và thần học của thánh vịnh 51 (50) này rất gần với thần học của Giêrêmia và Êgiêkien (“tấm lòng trong trắng” và “tinh thần chung thủy”). Nếu Thiên Chúa tha thứ hai tội của Đavít, tổ tiên của Đấng Mêsia, thì làm sao Ngài có thể từ chối tha thứ cho “một tấm lòng tan nát và giầy vò” ?

Bài đọc II : 1 Tm 1, 12-17

Phaolô thú nhận tội lỗi của mình theo cách riêng của mình. Ông ý thức việc mình đã không luôn luôn sống đúng với sự tin tưởng mà Chúa đã đặt nơi ông. Ngay từ đầu, Phaolô thừa nhận mình đã từng là kẻ “phạm thượng, bắt bớ và bạo lực”. Nhưng như ông đã nói trong Thư gửi tín hữu Rôma “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Phaolô vững tin vào “Đức Kitô Giêsu [Đấng] đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”, trong đó có chính Phaolô, người luôn coi mình là “kẻ đứng đầu trong các tội nhân”.

Tin Mừng : Lc 15, 1-32

Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để trả lời những người Pharisiêu bị vấp phạm. Hai dụ ngôn đầu nêu bật niềm vui của người mục tử tìm lại được con chiên thất lạc của mình, và niềm vui của người phụ nữ tìm thấy đồng tiền của mình. Hai ví dụ này được rút ra từ cuộc sống hàng ngày. Dụ ngôn thứ ba là một trong những dụ ngôn hay nhất và cảm động nhất của Chúa Giêsu. Người cha không những không trách đứa con hoang đàng của mình, kẻ đã bỏ nhà cha ra đi, tiêu tán hết tài sản của ông, mà ông còn chuẩn bị sẵn cho nó một bữa tiệc linh đình, với những y phục hoàng gia : niềm vui tìm lại được đứa con “đã chết” của ông, là to lớn như thế đó ! Còn về người con cả, anh này là một ví dụ tương phản chất vấn chúng ta: liệu chúng ta có thể hòa mình vào niềm vui của người cha xài hoang (quảng đại) và vui mừng về sự tha thứ mà Thiên Chúa ban cho kẻ tội lỗi biết trở về với Ngài không ?

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.