CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXI-TN_C, 21-8-2022 ֎ VÔ SỐ NGƯỜI ĐƯỢC CỨU THOÁT

 

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXI-TN_C, 21-8-2022

֎

VÔ SỐ NGƯỜI ĐƯỢC CỨU THOÁT

Giữa các dòng của Kinh Thánh, nổi lên một xác tín kép. Xác tín thứ nhất: Thiên Chúa chọn cho mình một dân tộc làm chứng (Israel và Giáo Hội). Thứ hai: dân tộc này có sứ mệnh làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa đã chọn họ (Thiên Chúa mạc khải cho các tổ phụ và cho Môsê, và Thiên Chúa của Chúa Giêsu).

Bài đọc I : Is 66, 18-21

Lời tiên tri cuối cùng này của Isaia làm nổi bật những điểm nhấn phổ quát rải rác khắp toàn bộ cuốn sách được cho là của vị tiên tri sống ở thế kỷ thứ tám, đặc biệt là trong các chương từ 40 đến 66. Phần cuối cùng này của cuốn sách được gán cho các môn đệ tiếp tục công việc của thầy nhiều thế kỷ sau đó, vào lúc những người lưu vong trở về và sau này nữa. Do đó, đề cập đến sứ mệnh của những người sống sót”, nơi “các dân tộc xa xôi nhất” và “những hải đảo xa xăm”. Kế hoạch của Thiên Chúa liên quan không chỉ đến Israel, mà còn đến “mọi quốc gia thuộc mọi ngôn ngữ”. Không chỉ có các quốc gia được mời chia sẻ “lễ phẩm do con cái Israel mang đến, mà còn có “các tư tế và các thầy Lê-vi” sẽ được Thiên Chúa chọn giữa các dân tộc này !

Thánh vịnh đáp ca : Tv 117 (116)

Thánh vịnh này, là thánh vịnh ngắn nhất trong cả sách thánh vịnh, mở ra với một quan điểm phổ quát rõ ràng. Hai mệnh lệnh của câu đầu tiên (“ca ngợi”, “chúc tụng”) ngỏ với “tất cả các dân tộc” và với “tất cả các nước”. Và lời khuyến khích kép này phát ra từ một cộng đoàn cụ thể: chữ “chúng ta” trong câu thứ hai dựa vào kinh nghiệm thế tục của dân Israel và ca tụng quyền năng của “tình yêu” Thiên Chúa và “lòng trung thành” của Ngài, là “vĩnh cửu”. Tiền xướng, trích từ Tân Ước (Mc 16,15), cũng diễn tả sự bổ sung cho các quan điểm: đặc thù và phổ quát. Sứ mệnh là của mười một môn đệ của Chúa Giêsu (“Hãy đi”), và sứ mệnh này phải mở rộng ra “toàn thế giới”.

Bài đọc II : Dt 12, 5-7. 11-13

Dựa vào một trích dẫn từ bản tiếng Hy Lạp của sách Châm ngôn (Cn 5, 11), tác giả bức thư khai triển chủ đề về sự giáo dục được Thiên Chúa thực hiện cho người tin Chúa, như một người cha làm cho con mình. Tác giả sử dụng các từ “padeuein” và “paideia” (có nguồn gốc của từ ‘sư phạm”). “Bài học” của Thiên Chúa chắc chắn là một sự “sửa sai”, thậm chí là một cuộc hoán cải không diễn ra mà không đau đớn. Nhưng mục đích cuối cùng là mang lại “sự thoải mái” và “niềm vui”, vì đó là của một người cha yêu thương, quan tâm đến hạnh phúc của con cái mình.

Tin Mừng : Lc 13, 22-30

Câu hỏi về số lượng ít ỏi những kẻ “được cứu thoát” dường như minh họa cho một tin đồn phổ biến. Thoạt nhìn, câu trả lời của Chúa Giêsu xác nhận điều đó. Chúa Giêsu khẳng định rằng “cửa [thì] hẹp” và rằng “nhiều người” “không thể” đi qua đó. Những người khác tự làm cho mình thành dứt khoát bị từ chối cho vào, vì “sự bất công” của họ và họ sẽ phải chịu một số phận đáng buồn. Nhưng đó không phải là tiếng nói cuối cùng của lịch sử. Chúa Giêsu kết luận bằng cách gợi lên không chỉ ba vị tổ phụ vĩ đại và các tiên tri “đi vào nước Thiên Chúa”, mà còn có những người sẽ đến từ bốn phương trời để “tìm chỗ trong bữa tiệc” của Vương quốc này. Cánh cửa luôn luôn hẹp, vì Tin Mừng của Chúa Kitô kêu gọi sự hoán cải triệt để.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.