CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XX-TN_C, 14-8-2022 ֎ NHỮNG CON NGƯỜI NHIỆT TÌNH VÀ THƯƠNG XÓT

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XX-TN_C, 14-8-2022

֎

NHỮNG CON NGƯỜI NHIỆT TÌNH VÀ THƯƠNG XÓT

Giêrêmia, tác giả thánh vịnh, Phaolô, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đều là những người nhiệt tình. Các Ngài biết lắng nghe những đau khổ của dân chúng hoặc của cộng đoàn của các ngài, và, cho dù bị phản đối, các ngài vẫn gieo vãi lời thương xót và niềm hy vọng bất diệt.

Bài đọc I : Gr 38, 4-6. 8-10

Trong tất cả các tiên tri của Cựu ước, Giêrêmia là người tự cho phép mình bộc lộ nhiều nhất những đau khổ, những nghi ngờ và thắc mắc của mình về sứ mệnh nặng nề được giao phó cho ông. Ông được Thiên Chúa giao cho nhiệm vụ không nhẹ nhàng là “nhổ, lật, hủy, phá, xây và trồng” (Gr 1, 10), trong khi dân chúng ở Giuđa đang sống trong thảm cảnh tồi tệ nhất trong lịch sử của mình. Quân đội Babylon cướp phá Giêrusalem và bắt một phần lớn dân số của Giêrusalem đi lưu đày ở Babylon. Chắc chắn bản thân Giêrêmia không bị đi đày, nhưng ông gặp rắc rối với giới tinh hoa chính trị của Giêrusalem, những người nhìn thấy ở ông là một tiên tri về “tai họa”. Vua Xêđêxia ra lệnh ném Giêrêmia xuống một cái giếng cạn, chỉ có bùn. Sau này, khi đã được kéo ra khỏi giếng, Giêrêmia can đảm tiếp tục sứ mệnh tiên tri của mình !  

Thánh vịnh đáp ca : Tv 40 (39)

Người ta ước tính có gần ba mươi thánh vịnh lấy cảm hứng từ thông điệp của Giêrêmia. Tác giả thánh vịnh gợi lên chính xác một kinh nghiệm giống hệt kinh nghiệm của tiên tri Giêrêmia, bởi vì tác giả cũng đã được giải thoát “khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp”. Rõ ràng là ám chỉ Giêrêmia. Tác giả thánh vịnh là người có niềm hy vọng lớn lao, và một khi đã được Chúa giải thoát, ông cất tiếng hát “bài ca mới” do Chúa soi dẫn cho ông và là bài ca ông muốn chia sẻ với toàn dân. Lời khẩn cầu của thánh vịnh, “Lạy Chúa, xin mau đến giúp con”, xứng đáng với đức tin vượt mọi thử thách của Giêrêmia và với sự xác tín của Giêrêmia về câu trả lời của Chúa: “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”(Gr 1, 8).

Bài đọc II : Dt 12, 1-4

Tác giả bức thư tạm dừng trong giây lát ngôn ngữ phụng vụ và tư tế mà ông đã áp dụng cho Đức Kitô. Này đây tác giả đưa ra những hướng dẫn cho cộng đoàn của ông, vì tác giả sử dụng từ “chúng ta”. Trong chương trước, ông đã ca ngợi đức tin của các tiền nhân, giờ đây ông khuyến khích cộng đoàn, một đàng hãy để mình được truyền cảm hứng bởi “đám mây vô số nhân chứng” này, đàng khác hãy dán mắt vào “Chúa Giêsu, là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”. Chúa Giêsu này là “mẫu gương” để suy gẫm và noi theo. Nếu Chúa Giêsu “đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế”, tức là chịu đóng đinh, thì các Kitô hữu phải kiên trì và giữ vững lòng tin.

Tin Mừng : Lc 12, 49-53

Bài đọc hôm nay gần như là ở giữa Tin Mừng Luca. Những lời của Chúa Giêsu trước mặt các môn đệ, ít ra cũng phải nói là gây ngạc nhiên. Đối với Chúa, phải chăng đây là biểu hiện của một sự thất vọng hoặc thiếu kiên nhẫn nào đó, và đâu là “nỗi khắc khoải” về “phép rửa” mà Chúa phải hoàn tất trên thập giá ? Tuy nhiên, trước đây một chút, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, “với vẻ cương quyết, đã lên đường lên Giêrusalem” (Lc 9, 51). Chúa không phải là người của những biện pháp nửa vời, và Chúa đặt các bản đồ lên bàn cho các môn đệ của mình. Ngài đã “ném lửa vào mặt đất” và Ngài muốn lửa đó cháy lên trong trái tim họ. Nhưng để ngăn họ tự lừa dối chính mình, Chúa cảnh báo họ về những khó khăn đang chờ đợi họ khi mọi người bị chia rẽ trong gia đình của mình.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

Comments are closed.