CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH_A, 30-4-2023 ֎ VỊ MỤC TỬ ĐÍCH THỰC

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH_A, 30-4-2023

֎

VỊ MỤC TỬ ĐÍCH THỰC

Hình ảnh về một Thiên Chúa là mục tử đã đạt đến những đỉnh điểm vô song với Thánh vịnh 22, diễn tả niềm hạnh phúc vô biên của người biết mình được Thiên Chúa hướng dẫn. Phêrô và Gioan cùng sử dụng chính hình ảnh này và gán cho nó một tầm mức tập hợp khi áp dụng hình ảnh đó cho Đức Kitô, vì vai trò của Ngài là người quy tụ, hợp nhất.

Bài đọc I : Cv 2, 14a. 36-41

Bài diễn văn của Phêrô đã đánh động sâu sắc tâm hồn của các thính giả Do Thái đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Trái ngược với những gì chúng ta đã thấy trong các trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, những người Do Thái này tỏ ra cởi mở: họ coi Phêrô và các Tông đồ như “anh em” và hiểu rằng sứ điệp của các ông này sẽ mang lại những thay đổi quan trọng trong cuộc đời họ. Nhiều người trong số họ đã được rửa tội và do đó nhận được “ân huệ là Thánh Thần”. Về phần mình, Phêrô đã thấy trước những chân trời mới của việc loan báo và đón nhận Tin Mừng, bởi vì, ông nói, “đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa”.

Thánh vịnh: Tv 22

Thánh vịnh 22 (23) là một trong những thánh vịnh được yêu thích và có sức an ủi nhất. Vị Thiên Chúa là Mục Tử biết cung cấp tất cả những thiện hảo cần thiết cho các con chiên của Ngài : Ngài dẫn dắt chúng trong bình an “trên đường ngay nẻo chính” và Ngài trấn an chúng khi chúng phải băng qua “thung lũng sự chết” (đoạn 1-3). Khổ thơ cuối thêm một hình ảnh bổ sung và không kém phần trấn an. Thật vậy, Thiên Chúa tỏ mình là một vị chủ nhà hào phóng và nhân hậu: trong “nhà Chúa”, người ta tìm thấy “ân sủng và hạnh phúc” mãi mãi.

Bài đọc II : 1 Pr 2, 20b-25

Trong bức thư được cho là của Phêrô này, Phêrô lấy lại một số chủ đề trong các diễn từ của ông ở sách Công vụ Tông đồ : hình ảnh Người Tôi tớ đau khổ, tầm quan trọng của việc sám hối và phép rửa tội. Tuy nhiên, Phêrô nhắm đến một cử toạ rất khác: đó là các cộng đoàn Kitô hữu thuộc cộng đoàn hải ngoại ở Tiểu Á (1 Pr 1, 1). Đây là những cộng đoàn đã được thành lập nhưng đang gặp những khó khăn nhất định. Do đó, mới có lời khích lệ quay về “gương mẫu” là Đức Kitô, Đấng “đã mang lấy tội lỗi của chúng ta” và hoàn toàn gánh lấy những đau khổ bất công mà người ta bắt Ngài phải chịu. Đức Kitô không chỉ là một gương mẫu để bắt chước, Ngài còn là “mục tử của anh em, người chăm sóc linh hồn anh em”, giống như Vị Thiên Chúa là Mục Tử nói trong thánh vịnh, cung cấp sự nghỉ ngơi, ân sủng và hạnh phúc.

Tin Mừng : Ga 10, 1-10

Giống như Thánh vịnh 22, đoạn văn này của Gioan được mọi người yêu thích, và những thiện hảo phát sinh từ sự hiện diện của Vị Mục Tử đích thực cũng mang lại an ủi không kém. Nhưng chúng ta đừng quên cơ hội và bối cảnh trực tiếp dẫn đến những tuyên bố của Chúa Giêsu : đó là những cuộc tranh luận với người Pharisiêu, mà một số trong họ là những mục tử giả. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của mình nghiêm túc thực hành việc phân định. Những mục tử giả chỉ biết những con đường dẫn đến sự chết, trong khi Chúa Giêsu, Vị Mục Tử đích thực, “đã đến để chiên được sống, và sống dồi dào”. Ai lại chọn cái chết thay vì sự sống ?

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

Comments are closed.