CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV-MÙA VỌNG_A, 18-12-2022 ֎ THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV-MÙA VỌNG_A, 18-12-2022

֎

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Bài đọc I và bài Tin Mừng liên quan với nhau, vén bức màn che phủ danh tính của Đấng Thiên Sai sắp sinh ra. Còn thánh vịnh và thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma làm sáng tỏ niềm hy vọng sống động của những người công chính tin vào lời Chúa.

Bài đọc I : Is 7, 10-16

Vua Acaz (x. 2 V 16) là một ông vua nổi loạn và bất trung, đã dẫn dắt dân tộc của mình ra khỏi đường lối của Chúa. Isaia hầu như không nói gì đến thị kiến của ông, trong đền thờ Giêrusalem, về Thiên Chúa ba lần thánh (Is 6), khi ông mời gọi nhà vua xin một dấu lạ quyền năng “từ Chúa”. Nhà vua không quan tâm lắm đến điều đó, nhưng Thiên Chúa ban cho nhà vua và dân của ông một “dấu hiệu” đặc biệt, đó là : “người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en (nghĩa là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”). Đây là một tin ngoại thường, nhưng phải mất khoảng tám thế kỷ để cuối cùng người ta mới hiểu rằng Đấng Em-ma-nu-en này được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria ở Belem và rằng Ngài là Thiên Chúa trở nên người phàm, để ở với chúng ta.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 23 (24)

Thánh vịnh này, phản ánh những thành tựu của cuộc cải cách tôn giáo do Vua Giô-si-a thực hiện, trái ngược với phản ứng của vua Acaz và dân của ông, những người không tin vào dấu chỉ là Đấng Em-ma-nu-en. Điệp khúc của thánh vịnh diễn tả lòng thiết tha khao khát việc đến của Chúa, “vị vua vinh hiển”, Đấng làm chủ “trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư”. Khổ thơ thứ hai gợi lên một niềm tin đã được thanh luyện và sâu sắc: tác giả thánh vịnh và cộng đoàn của ông tìm cách “lên núi của Chúa và […] đứng trong đền thánh”. Điều này có thể thực hiện được đối với những người “tay sạch lòng thanh”. Đổi lại, Thiên Chúa ban cho họ “phúc lành” của Ngài và “mọi người” kiên quyết tìm kiếm Thiên Chúa và thánh nhan của Ngài.

Bài đọc II : Rm 1, 1-7

Thư gửi tín hữu Rôma được gửi cho một cộng đoàn không do Thánh Phaolô thành lập, và là cộng đoàn thánh nhân cũng chưa đến thăm. Đây là bức thư đầu tiên trong số tất cả các thư của Phaolô, bức thư dài nhất và là một trong những bức thư giàu tính giáo lý nhất. Phaolô tự giới thiệu mình là “tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được gọi làm Tông đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa”. Tin Mừng này Phaolô xác định là : “được Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh”. Tin Mừng có trọng tâm là “Đức Giêsu Kitô, xét như một người phàm, xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”. Phaolô cũng giải thích sứ mệnh của mình, là “làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Đức Tin,” và ước nguyện cuối cùng của Phaolô đối với người Rôma, là kêu gọi họ đến sự thánh thiện, ân sủng và bình an.

Tin Mừng : Mt 1, 18-24

Matthêu kể lại “cách Chúa Giêsu Kitô được sinh ra”. Trước hết, Matthêu trình bày “bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse”. Thế nhưng, “trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Trong khi Luca nêu bật sự vĩ đại của Đức Maria và đức tin của Mẹ vào lời loan báo của sứ thần Gáp-ri-en, thì Matthêu nhấn mạnh đến sự công chính của Giuse. Giuse từ chối “tố giác” Maria. Giuse chọn tin tưởng vào lời của “thiên sứ của Chúa”, người xác nhận với Giuse về sự can thiệp của Chúa Thánh Thần trong việc thụ thai hài nhi và thông báo cho Giuse biết về tên của hài nhi : “Giêsu (nghĩa là: Thiên Chúa-cứu độ)”. Như vậy đã ứng nghiệm lời tiên tri của Isaia về người Trinh Nữ sẽ sinh ra Đấng Em-ma-nu-en (nghĩa là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”) này.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.