CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III-TN_A, 22-01-2023 ֎ GALILÊ, MIỀN ĐẤT ÁNH SÁNG

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT III-TN_A, 22-01-2023

֎

GALILÊ, MIỀN ĐẤT ÁNH SÁNG

Thị kiến ​​của tiên tri Isaia loan báo một sự thay đổi sâu sắc cho Galilê: từ xấu hổ đến vinh quang, từ tăm tối đến hân hoan. Tác giả thánh vịnh cũng được hưởng ánh sáng và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu viện dẫn thị kiến ​​của tiên tri Isaia, Ngài kêu gọi các tông đồ và loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Bài đọc I : Is 8, 23b – 9,3

Isaia thi hành sứ vụ tiên tri của mình từ năm 740 đến năm 700 TCN ở chính Giê-ru-sa-lem và các vùng lân cận. Tuy nhiên, vị ngôn sứ vĩ đại này là một người có tầm nhìn đại kết: ông loan báo một tương lai rạng rỡ nhất cho một “dân sống trong vùng bóng tối”, là xứ Galilê, không xa Địa Trung Hải và ở về phía tây của Hồ Galilê. Chúa Giêsu sẽ thi hành phần lớn sứ vụ của mình trong miền bờ biển có nhiều ngư phủ dày dạn kinh nghiệm này. Hẳn chúng ta còn nhớ câu nói châm biếm của Na-tha-na-ên: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” (Ga 1, 46). Tiên tri Isaia không chia sẻ quan điểm này, vì ở đây ông loan báo cách chắc chắn rằng “Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại” này sẽ nhìn thấy ​​“một ánh sáng huy hoàng”, là ánh sáng Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Thánh vịnh: Tv 26 (27)

Thánh vịnh này cho thấy một đức tin vững vàng, được thanh luyện khỏi mọi sợ hãi. Tác giả thánh vịnh cầu xin với một Vị Thiên Chúa mà ông biết là “nguồn ánh sáng [của] ông và ơn cứu độ của [ông]” đồng thời là “thành luỹ bảo vệ đời ông”. Hơn nữa, mong muốn tha thiết nhất của tác giả là được “ở trong nhà của Chúa”, và ở đó, “mọi ngày trong suốt cuộc đời [ông]”. Tác giả không phải như một người nổi hứng, bởi vì ông đảm nhận cuộc sống của mình “trong cõi đất dành cho kẻ sống” và biết rằng ông sẽ phải duy trì niềm hy vọng vào Thiên Chúa để luôn “mạnh bạo” và can đảm.

Bài đọc II : 1 Cr 1, 10-13. 17

Phaolô tố giác những cớ vấp phạm của cộng đoàn (1 Cr 5 – 6). Nhưng ngay từ đầu, trong phần mở đầu của bức thư, Phaolô đã lên tiếng kêu gọi sự nhất trí và hòa thuận. Người nhà của bà Khơ-lô-e cho Phaolô biết rằng những ganh tỵ nghiêm trọng đang xé rách cộng đoàn và làm ảnh hưởng đến sứ mệnh truyền giáo. Một số người Cô-rin-tô tuyên bố thuộc về Phaolô, những người khác tuyên bố thuộc về A-pô-lô hoặc Phêrô, và những người khác nữa tuyên bố thuộc về Đức Kitô. Thế nhưng, thánh Phaolô muốn rằng, mọi người phải hiệp nhất chung quanh một sứ mạng: loan báo Tin Mừng. Tất cả phải thuộc về Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài, bằng cách nâng đỡ nhau và nói, không phải thứ “ngôn ngữ của sự khôn ngoan loài người”, nhưng nói ngôn ngữ của sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1, 28-2, 2).

Tin Mừng : Mt 4, 12-23

Chúa Giêsu vừa chiến thắng ma quỷ trong sa mạc và biết rằng Gioan Tẩy Giả hiện đang ở trong tù. Chúa trở lại Galilê, nhưng Ngài định cư ở Capharnaum chứ không phải ở Nagiaret, để bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng (“Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, và để kêu gọi các tông đồ đầu tiên của Ngài ở gần Biển Galilê. : Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Những ngư dân chuyên nghiệp này bỏ lại mọi thứ phía sau họ và biết rằng từ nay về sau họ sẽ trở thành “ngư phủ lưới người ta”. Mátthêu loan báo ở đây điều cốt yếu trong sứ vụ của Chúa Giêsu: giảng dạy trong các hội đường, loan báo Tin Mừng Nước Trời, cũng như chữa lành “mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

Comments are closed.